ĐIỂM SÁCH ISIS UNVEILED

 
Điểm Sách Isis Unveiled

 

Isis Unveiled là tác phẩm đầu tiên của bà Blavatsky, xuất bản năm 1877. Sách gồm hai quyển hơn 1.200 trang và chia làm hai phần là Khoa họcThần học, mỗi phần có nhiều tiết mục.
Nỗ lực của bà khi soạn sách là để cho thấy có một Tôn Giáo Minh Triết chung đã từng hiện hữu mà nay bị chìm khuất. Quyển I có tựa Khoa học viết về các điểm tương đồng trong kinh sách cổ thuộc nhiều nền văn minh xưa của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp; trình bầy quan điểm của triết gia xưa về con người và vũ trụ có căn bản giống nhau, chứng tỏ có một hiểu biết hay minh triết chung trong các tôn giáo, triết lý khác nhau; quyển II tên Thần học bàn về khởi đầu của Thiên Chúa giáo, và kế tiếp là sự đàn áp của giáo hội đối với các nhóm cạnh tranh như những trường huyền môn - Mystery thời xưa. Sách được đón nhận nồng nhiệt tới độ 1.000 quyển bán hết trong 10 ngày, và chỉ hai tháng sau phải có tái bản lần đầu rồi tiếp tục được in từ đó tới nay.
Có quá nhiều tài liệu được sử dụng để hỗ trợ cho lập luận đưa ra trong sách nên làm nội dung rườm rà, đôi khi lạc đề. Hệ quả là Isis được xem là bộ sách có sự thông thái đáng phục hơn là có tính gọn gàng khiến ta mở sách xem. Bà Blavatsky nhận biết khuyết điểm ấy và dự tính ra một ấn bản mới của Isis. Nhưng khi soạn sách mới này, chẳng bao lâu bà thấy rằng tác phẩm sắp ra sẽ không là vậy mà sẽ là một bộ sách hoàn toàn mới, và ta có bộ The Secret Doctrine, không những triển khai các mục đã được bàn tới trong Isis mà còn thêm rất nhiều đề tài khác. Nói chung ba tác phẩm:
●  Isis Unveiled, 1877.
Man: A Fragment of Forgotten History, 1884.
Quyển này ngắn nhất nên đã được dịch và đăng trên PST cũng như trang web PST.
The Secret Doctrine, 1888.
có nội dung liên hệ với nhau, và nên đọc theo thứ tự này. 
Tiếp tục về quyển Isis, tính đến cuối thế kỷ 20 sách đã hơn trăm tuổi, thế nên năm 1997 nhà xuất bản của hội Theosophy tại Hoa Kỳ đã cho ra sách Isis rút ngắn, do Michael Gomes biên tập để thích ứng với thời đại mới. Hai quyển được thu gọn lại với hy vọng làm sách dễ xem hơn; theo cách ấy hơn ba phần tư nguyên tác được lược bỏ, và Isis rút ngắn còn 259 trang. Những câu trích dài của các tác giả khác, giải thích thường xuyên về tên các thần linh, lời bàn lập đi lập lại được loại ra, để còn lại là các ý niệm căn bản mà bà muốn giải thích. Nay ta trích dưới đây vài đoạn đáng chú ý trong quyền Isis rút gọn. Sách viết dễ đọc có nội dung vẫn còn lý thú dù đề tài đã nêu ra từ thế kỷ 19, xin mời bạn xem nguyên tác Anh văn nếu được.

Niết Bàn và Sự Tịch Diệt

Bài được viết để chữa lại các hiểu lầm mà tây phương có về triết lý Phật giáo, cũng như để chỉnh lại lời diễn giải kinh Phật có khi không đúng của các nhà đông phương học hồi thế kỷ 19.

Các học giả không thể hy vọng tìm lời đáp cho những ẩn ý siêu hình trong kinh sách Phật giáo qua tử ngữ trong kinh, vì người xưa biết rõ của khả năng suy luận của tư tưởng có giới hạn đối với sự thâm sâu không thể nghĩ bàn của triết lý, và người ta cách xa chân lý nhất vào lúc tin rằng mình gần tìm ra nó nhất. Việc thấu đáo mỗi một triết lý trong hệ thống tư tưởng Phật giáo, chỉ có thể đạt tới bằng cách theo sát phương pháp được Plato và Pythagoras áp dụng khi xưa là đi từ tổng quát vào chi tiết. Chìa khóa của nó nằm trong chỉ dẫn tinh tế và bí ẩn về sự sống thiêng liêng.
Chữ tịch diệt được nói nhiều trong kinh Phật nên ta cần hiểu rõ nghĩa. Tịch diệt theo triết lý Phật giáo chỉ về vật chất, về thể hữu hình cũng như thể vô hình, vì thể sinh lực cũng vẫn là vật chất dù nhiều lần thanh nhẹ hơn. Vì vậy, tịch diệt chỉ sự phân tán của vật chất tạo nên bất cứ hình thể sắc tướng nào; bởi mỗi vật được tạo nên là có hình tướng, do vậy trước hay sau sẽ hư hoại, nghĩa là thay đổi hình tướng đó.
Như thế, dù vật tạm bợ tuy có vẻ như thường hằng, nó chỉ là ảo ảnh Maya; bởi sự vĩnh cửu không có khởi thủy hay chung cuộc, một hình thể hiện hữu khoảng thời gian dài hay ngắn thì như là tia chớp vụt lóe lên rồi tắt lịm. Trước khi ta có giờ để ý thức là đã thấy tia chớp, thì nó đã biến dạng và mất đi mãi mãi. Ngay cả thể thanh, thuần chất liệu thanh nhẹ, cũng chỉ là huyễn ảnh của vật chất bao lâu chúng còn giữ đường nét cõi trần.
Khi con người tinh thần tách rời khỏi hẳn mọi hạt vật chất, chỉ khi ấy họ mới vào Niết Bàn hay Nirvana vĩnh cửu, bất biến. Họ hiện hữu ở đó như là tinh thần, không như hình hài vật chất, không có hình thể sắc tướng, là no-thing; hình dạng ấy bị tiêu tán hoàn toàn và do đó con người sẽ không còn chết nữa vì chỉ có tinh thần là không phải ảo ảnh Maya, mà là thực tại duy nhất trong một vũ trụ huyễn mộng chỉ gồm những hình thể phù du.
Nirvana là không có thể, không hình; không thể nghĩ bàn, vô hình và vô phân, không là vật, ‘No-thing’; nó là một trạng thái mà không phải là một vùng, nơi chốn. Khi đạt tới Niết Bàn, con người không còn bị Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chi phối. Vì hệ quả chỉ có thể sinh ra do một nguyên nhân nào đó và trong trường hợp này mỗi nguyên nhân đã tiêu tán rồi.
Để giải thích thì Tứ Diệu Đế là căn bản cho trọn triết lý của Phật giáo về Niết Bàn.
– Có sự Khổ.
– Việc sinh ra sự Khổ.
– Diệt sự Khổ.
– Con đường dẫn tới việc tuyệt trừ sự Khổ.
Nguồn cơn của sự Khổ là đâu ? Là sự hiện hữu. Sinh dẫn tới Lão, Bệnh, Tử; bởi nơi đâu có hình tướng thì có nguyên nhân của sự Khổ. Chỉ riêng tinh thần là không có sắc tướng và do vậy không thể nói là có hiện hữu. Bất cứ khi nào con người bên trong đạt tới mức trở thành tinh thần hoàn toàn và do đó không còn hình tướng, là họ đạt tới trạng thái an lạc trọn vẹn. Con người, như là một vật thể, bị hủy diệt nhưng thực thể tinh thần với sự sống thiêng liêng sẽ sống mãi, vì tinh thần bất hư hoại và bất tử.
Đại Ngã, hay Đại Hồn là Niết Bàn và Phật là tên chung của Chân thần. Khi nhập Niết Bàn, sự an lạc rốt ráo, Phật là Chân thần vô sắc tướng, là Thần linh thấm tràn vô hình trọn vũ trụ. Khi biểu lộ, khoác lấy hình thái làm nhân loại hiểu được mà con người gọi đó bằng tên này hay tên khác, thì tất cả hình thể ấy là một và là cùng một điều. Trong bất cứ trường hợp nào, ấy là tinh thần bất tử điều khiển con người phàm hay nói theo kinh sách là ‘Cha’ ở trong ‘Con’ và ‘Con’ ở trong ‘Cha’. Nó đi vào trong con người, thấu nhập trọn bản thể của họ làm họ trở thành thần linh, con người thiêng liêng đi xuống vào thân xác của nó ở cõi trần (nói thêm  thì thân xác luôn được xem là đền thờ cho con người thật bên trong, vì lý do ấy việc hủy hoại nó để lấy bộ phận và ghép bộ phận không được tán đồng).
Triết lý Phật giáo nói rằng ai cũng có thể thành Phật. Thế nên qua bao thời đại, ta thấy đây hay kia có những người đã thành công trong việc hợp nhất với ‘Thượng đế’ như kinh sách nói, tức hợp nhất với tinh thần của họ khi hiểu đúng nghĩa. Phật giáo gọi người như vậy là Arhat - La Hán. Kinh sách cũng ghi lại 550 chuyện tiền thân Phật Thích Ca, phải chăng ta nên hiểu rằng tuy có vô số tinh thần cá nhân, nói chung họ là một, tựa như mỗi giọt nước lấy từ biển có thể có sự hiện hữu riêng mà cũng vẫn là một với những giọt nước khác tạo thành biển ấy ? Vì mỗi tinh thần con người là điểm sáng của một ánh sáng tràn lan khắp nơi làm linh hoạt hoa cỏ, hạt của đá hoa cương trên sườn núi, sư tử, và con người.
Giáo sĩ Ai Cập, giống như tín đồ Ấn giáo, Phật tử và vài triết gia Hy Lạp chủ trương rằng cái tinh thần làm linh hoạt hạt bụi cũng làm linh hoạt con người, thể hiện chính nó qua con người với mức hoạt động cao nhất của nó. Khi xưa triết lý chung khắp nơi nói rằng linh hồn con người dần dần hòa trở lại vào Đại Hồn, nhưng nó không hề ám chỉ việc tiêu tán cái ngã tinh thần cao nhất, mà chỉ có sự tan rã hình thể bên ngoài của con người sau khi thể xác chết đi, cũng như là trong khoảng thời gian họ sống trên địa cầu.
Nói rằng triết lý Phật giáo bác bỏ ý niệm về đấng Tối Cao, Thượng đế, và sự bất tử của linh hồn - hay nói ngắn gọn đó là thuyết vô thần - vì lẽ rằng theo triết lý đó Niết Bàn có nghĩa tịch diệt và không có gì cả (nothing) thì chỉ là kỳ quặc. Ở đây nghĩa thực của chữ không có gì cả (nothing) có ý rằng Thượng đế không phải là một vật (thing), không phải là một Đấng cụ thể, hữu hình để có thể cho một tên gọi biểu lộ một vật nào trên trần mà ta biết.

Tinh Thần Bất Tử

Ta cần chút giải thích ở đây, quyển Isis có thể xem như là nỗ lực khai hoang, vỡ đất của bà Blavatsky trong khu rừng tâm linh của phương tây vào lúc đó. Chẳng những bà phải vạch ra và bác bỏ các ý niệm sai lầm trong tôn giáo, khoa học và triết học, mà còn phải đưa ra các ý niệm mới đúng hơn, sâu xa hơn để thay thế. Lấy thí dụ ý niệm về con người. Thần học và giáo hội Thiên Chúa giáo chỉ dạy tín đồ rằng con người có hai phần là thân xác và linh hồn, đừng nói tới việc con người còn có phần tinh thần, và ý niệm rằng con người gồm bẩy thể lại càng hết sức xa lạ. Do đó trong phần tóm lược dưới dây, ta thấy bà đi bước đầu tiên đưa ra ý rằng con người gồm ba phần.

Nói về tinh thần của con người, có triết phái xem tinh thần là điều hoàn toàn phân biệt với linh hồn. Con người và linh hồn phải đạt sự bất tử bằng cách vươn lên trên để hòa hợp, mà nếu thành công và linh hồn sau rốt kết nối được với tinh thần, sẽ nhập với nó làm một. Tính cá biệt sau khi chết của con người tùy thuộc vào tinh thần mà không phải linh hồn và thân xác của họ. Gọi phần bất tử của ta theo sát nghĩa là ‘cá tính’ là điều kỳ quặc, dù rằng cái trước là một thực thể riêng biệt, tự nó bất tử và vĩnh cửu.
Với kẻ tội phạm vô phương cứu rỗi, khi sợi dây bạc sutrama (nối liền tinh thần với linh hồn vào lúc sinh ra) bị đứt lìa dữ dội, thể thanh mà linh hồn đã tách khỏi (tức thể tình cảm) nay có chung số phận với loài vật thấp, dần dần tan biến vào cõi ether và tính cá biệt của nó tiêu tán cho dù tinh thần vẫn là một thực thể riêng biệt.
Trọn triết lý bí truyền của Phật giáo dựa trên chỉ dạy bí ẩn này mà chỉ rất ít người thấu hiểu, và do vậy nhiều học giả thông thái đã diễn giải sai lạc. Một người có thể đạt sự sống bất tử và giữ y chân ngã bên trong trên trần suốt vĩnh cửu; nhưng nó không có nghĩa họ phải vẫn là ông A hay bà B như đã có lúc là vậy trên trần, bằng không sẽ mất đi tính cá biệt của mình. Do đó, thể thanh và thể xác của một người khi qua đời tan rã vào biển chất liệu thanh của vũ trụ và không còn cảm biết phàm ngã, nếu cái phàm ngã này không đáng vượt lên cao hơn; và tinh thần thiêng liêng vẫn là một thực thể bất biến, dù kinh nghiệm này ở cõi trần có thể hoàn toàn bị xóa mất ngay khi tách rời khỏi vận cụ không xứng đáng.
Nếu cái ‘tinh thần’ này, phần thiêng liêng của linh hồn, đã hiện hữu trước đó như là một thực thể riêng biệt trong vĩnh cửu, như nhiều triết gia và giáo sĩ Thiên Chúa giáo dạy và nếu nó y như, không gì khác hơn là linh hồn, thì làm sao nó có thể là gì khác hơn vĩnh cửu ? Và có gì khác biệt chăng khi một người sống đời thấp kém như thú vật hay một đời thanh cao, sống ra sao đi nữa họ cũng không hề mất đi tính cá biệt của mình ? Triết thuyết này cho hệ quả sai lầm y như thuyết nói rằng có việc chuộc tội thay. Nếu thuyết ấy, cùng với ý lầm lạc nói rằng tất cả chúng ta đều bất tử, có tính chất của nó được chứng tỏ rõ ràng cho thế giới biết, hẳn nhân loại sẽ khá hơn khi lời chứng tỏ được truyền lan.
Người ta hẳn sẽ tránh tội phạm và tội lỗi, không phải vì sợ có trừng phạt cõi trần, hay một địa ngục quái đản, mà do 1/ điều nằm sâu kín nhất trong tâm - là ước vọng có sự sống cá nhân và riêng biệt ở đời sau, 2/ lời bảo đảm tích cực rằng ta không thể có được nó trừ phi ta ‘nỗ lực mạnh mẽ chiếm lấy nước Trời’, và 3/ có niềm tin rằng không lời cầu nguyện nào  của con người, hay máu của ai khác có thể cứu ta khỏi bị hủy diệt sau khi chết; trừ phi ta nối kết chặt chẽ mình trong lúc sống trên trần với tinh thần bất tử của riêng ta - là Thượng đế của mình.
Thuyết nói rằng có thể có việc bị mất linh hồn, và do vậy mất tính cá biệt, đi ngược lại với ý tưởng của người theo thông linh học - spiritualism. Họ không chấp nhận triết lý dạy rằng chỉ bằng cách sống theo luật hòa hợp mà người ta mới có được sự sống ở cõi bên kia, và con người bên trong càng đi xa khỏi sự hòa hợp này chừng nào, với nguồn của cái sau nằm trong tinh thần thiêng liêng của ta, thì càng khó quay trở lại.
Rồi còn có một cái chết khác làm gián đoạn trình tự thiêng liêng, và là sự hủy diệt nhân tính trong bản chất con người cùng mọi điều có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Ấy là cái chết tinh thần xẩy ra trước khi có sự tan rã của xác thân. Có ý nói rằng ‘Trí não con người có thể phát triển lớn lao mà không có kèm theo lòng yêu quí Thượng đế, và yêu thương không ích kỷ người khác.’ Khi một ai chỉ biết yêu thương chính mình và ưa thích các thú vui trần thế, và mất đi tình thương thiêng liêng Thượng đế cùng tình thương dành cho kẻ khác, họ rơi từ sự sống sang sự chết. Những nguyên lý cao tạo nên phần cốt tủy của nhân tính tàn lụi đi, và họ chỉ còn sống ở cõi trần. Xác thân họ sống mà tinh thần thì chết; họ chết đối với tất cả những gì liên quan tới điều chi cao hơn và trường cửu hơn, cũng như thân xác họ trở thành chết với mọi sinh hoạt, vui thú và cảm dục của thế giới khi phần tinh thần rời bỏ thân xác.
Cái chết tinh thần này sinh ra là do không tuân theo những luật về đời sống tinh thần, nó cho cùng trừng phạt như khi không tuân theo các luật của đời sống tự nhiên. Dầu vậy người mà chết phần tinh thần vẫn có vui thú của họ, họ có tài năng trí não, khả năng và sinh hoạt hăng hái. Họ có mọi khoái lạc của thú tính và đối với nhiều người nam cũng như nữ, chúng là hạnh phúc lý tưởng nhất. Việc theo đuổi không mệt mỏi sự giàu sang, vui chơi, hoan lạc của đời sống trong xã hội, tập hành vi phong nhã, biết cách ăn mặc thanh lịch, được xã hội ưa chuộng và nổi bật về khoa học, làm ai chết mà đang sống này say sưa, mê mẩn.
Tuy nhiên, sự phát triển cao độ về trí óc không hàm ý là người như thế có đời sống chân thực và tinh thần. Nhiều khoa học gia lỗi lạc nhất của chúng ta chỉ là xác chết linh hoạt, họ không có nhãn quan tinh thần vì phần tinh thần đã rời bỏ họ. Thế nên ta có thể xem xét các thời đại, coi kỹ các nghề nghiệp, trọn các thành đạt của con người, khảo sát mọi hình thức của xã hội và ta sẽ tìm thấy những người chết phần tinh thần này có ở khắp nơi.
Sau khi ai tồi tệ và xấu xa chết đi, giây phút nghiêm trọng tới kế đó. Nếu trong lúc sống phần tâm linh trong lòng người không cách vươn cao để tới phần tinh thần thiêng liêng, và nếu cái sau càng lúc càng bị lớp vỏ vật chất dầy đặc ngăn chặn, linh hồn khi thoát khỏi thể xác, đi theo những quyến rũ của cõi trần, bị chúng thu hút và cầm giữ trong khối sương mù mịt là bầu không khí vật chất. Rồi nó bắt đầu chìm xuống thấp dần cho tới khi tỉnh thức, nó thấy mình ở nơi mà kinh sách gọi là địa ngục.
Việc tiêu tán một linh hồn như vậy không hề xẩy ra trong tích tắc, mà có thể trải qua nhiều thế kỷ mới xong vì thiên nhiên chẳng bao giờ làm gì đột ngột, và bởi thể tình cảm được cấu tạo bằng nhiều chất liệu, luật tiến hóa sẽ cần thì giờ để diễn ra trọn vẹn. Ta gọi các hồn vất vưởng này là chưa siêu thoát, chúng thấp kém, quỉ quyệt, xấu xa, tìm cách trả thù người trên trần cho những đau khổ mà chúng phải chịu, chúng trở thành hồn ma bóng quế, người hút máu, và kịch sĩ khéo léo cho tới khi bị hủy diệt hẳn.
Đây là những hồn giỏi dang trong việc hiện hình, chúng tạo nên hiện tượng nhờ các tinh linh khôn ngoan hơn bay lượn quanh hồn, và hân hoan chào đón nó trong cõi của chúng. Không có mấy loại đồng bóng nào mà chúng tôi chưa từng gặp trong nhiều năm qua ở các nước. Những kinh nghiệm khác nhau đã dạy chúng tôi hai sự thật, một là để làm huyền thuật người ta phải có sự thanh khiết trong lòng và chuyện không thể thiếu là một năng lực ý chí bất khuất được luyện kỹ, và hai là ai dự buổi ngồi đồng không bao giờ bảo đảm được rằng sự biểu lộ của người đồng là thật hay không, trừ phi nó diễn ra ở chỗ sáng và trong những điều kiện làm cho việc giả mạo bị khám phá ngay.
Ta cũng cần nói rõ là theo nguyên tắc chung, việc hiện hình ở cõi trần trong buổi ngồi đồng là do tinh linh tạo ra để mà chơi theo ý chúng, tuy nhiên các hồn người tốt lành trong những điều kiện ngoại lệ, thí dụ như ước muốn của tấm lòng trong sạch hay trong trường hợp khẩn cấp, có thể hiện ra. Phải cần có sự thu hút rất mạnh mới kéo được một hồn trong sạch đã khuất, từ cõi sáng của nó vào cõi thấp dơ bẩn mà nó đã thoát khỏi khi rời xác thân.
Các triết gia về huyền thuật phản đối mạnh mẽ việc gọi hồn với lý do tốt, vì hết sức khó mà phân biệt một hồn xấu với hồn tốt, và nếu một hồn đi xuống gần cõi vật chất thì có nguy cơ là sự thanh khiết của nó bị dơ bẩn. Khi rời cõi trần, linh hồn còn vướng bụi trần và phải chịu ít nhiều đau khổ; thế nên nhà huyền thuật sẽ tránh không gây thêm đau khổ cho cư dân thanh khiết này ở cõi cao, trừ khi tuyệt đối cần vì lợi ích cho nhân loại. Chỉ có phù thủy tà đạo mới dùng những câu xướng đầy sức mạnh để gọi hồn, thôi thúc kéo về những hồn đã sống đời xấu xa và sẵn sàng trợ giúp mưu tính mô ích kỷ của thuật sĩ (magican).
Phần còn lại như là cá nhân riêng biệt sau khi thân xác chết đi là hồn, nó thải bỏ những hạt có tính vật chất hơn ở mỗi thay đổi dần dần để đi lên cõi cao hơn. Hồn này giữ lại hết mọi đặc tính của thân xác sau khi cái xác chết đi, hồn (thể tình cảm) là phiên bản trung thực của thể xác, cả về nghĩa tinh thần và vật chất. 
Phần thiêng liêng của con người, cái tinh thần bất tử và cao nhất, thì không thể được thưởng hay bị trừng phạt. Duy trì cái triết lý nói rằng tinh thần được thưởng hay phạt là điều kỳ quặc và phạm thánh, vì nó không phải chỉ là ngọn lửa vật chất phát sinh từ nguồn sáng ở giữa và bất tận, mà thực ra nó là một phần của nguồn sáng đó, và có bản chất y vậy. Nó bảo đảm cho hồn được bất tử tùy theo con người sẵn lòng tới đâu để nhận tính thiêng liêng đó. Bao lâu mà con người gồm xác thân và tinh thần vẫn đi theo luật, và bao lâu họ vẫn giữ cho ngọn lửa thiêng liêng còn lưu trong tâm, dù lu mờ thế mấy, là họ trên đường tới sự bất tử trong tương lai. Còn những ai chỉ chấp nhận sự sống vật chất, chối bỏ ánh sáng thiêng liêng mà tinh thần tỏa ra từ lúc khởi đầu của việc trải qua những cuộc sống dưới trần trên đường trở về, và chặn lại khuyến cáo của lương tâm - là kẻ canh gác trung thành, hành xử như là tụ điểm cho ánh sáng trong linh hồn - ai như thế để lại lương tâm và tinh thần đằng sau và băng qua ranh giới của vật chất, sẽ phải theo các luật của nó.
Vật chất có tính bất hoại và vĩnh cửu như chính tinh thần bất tử, nhưng là vậy cho các hạt của nó mà không phải cho hình thể tạo nên.  Triết lý Bí truyền dạy rằng thể tình cảm trong kiếp sống bao trùm thể xác, khi cái sau chết đi và thể tình cảm tách ra, tới phiên nó thành lớp vỏ cho một thể khác thanh nhẹ hơn (thể hạ trí). Điều này xẩy ra ngay vào lúc ta qua đời và hoàn thành khi thể tình cảm tách rời khỏi thể xác. Diễn tiến này lập lại mỗi lần linh hồn đi từ cõi thấp lên cõi cao.
Ta hãy suy luận thêm nữa. Nếu có sự sống ở cõi tinh thần sau cái chết của thân xác, thì sự việc phải diễn ra theo luật tiến hóa. Nó đưa con người từ chỗ của họ là ở đỉnh cao của vật chất vào hiện hữu ở cõi mà luật bất di dịch đi theo họ vào đó. Và nếu nó đi theo họ thì sao nó lại không đi theo hết mọi vật khác trong thiên nhiên ? Sao lại không đối với thú vật và cây cỏ, những sinh vật cũng có nguyên lý sống và thân xác chúng cũng tan rã như của người, khi nguyên lý sống ấy rời bỏ hình thể của chúng. Nếu thể tình cảm của người trở thành thanh nhẹ hơn khi sang cõi khác, thì tại sao không là vậy với thể của chúng ?
Nếu các nhà nhân chủng học, sinh lý học và tâm lý gia thấy hoang mang như nhau về các nguyên do khởi thủy và chung cuộc, và thấy tất cả hình thể của vật chất rất tương tự nhau mà phần tinh thần có hố sâu khác biệt, có thể đó là vì thắc mắc của họ chỉ giới hạn vào địa cầu hữu hình và họ không thể hay không dám đi xa hơn. Tinh thần của kim thạch, thảo mộc hay thú vật có thể khởi sự được tạo ở đây, và đi tới sự phát triển sau cùng của nó hằng triệu năm về sau trên những hành tinh khác mà thiên văn gia biết hay chưa biết, hữu hình hay vô hình. Bởi ai có thể phủ nhận lý thuyết đã nêu lên trong phần trước đây rằng chính trái đất, tựa như các sinh vật mà nó sinh ra, tới cuối cùng sau khi trải qua giai đoạn chết và tan rã, sẽ trở thành một hành tinh ở thể thanh ? “Trên sao, dưới vậy”, sự hòa hợp là luật vĩ đại trong thiên nhiên.
Sự hòa hợp trong thế giới vật chất và toán học của cảm quan có nghĩa là sự công minh trong thế giới tinh thần. Công minh sinh ra hòa hợp, còn bất công sinh ra bất hòa; và bất hòa ở mức độ vũ trụ sinh ra hỗn loạn tức sự diệt vong.
Nếu có một tinh thần bất tử phát triển bên trong con người thì nó cũng phải hiện diện trong mọi vật khác, ít nhất ở dạng tiềm ẩn hay phôi thai, và để cho mỗi một cái mầm này trở thành nẩy nở trọn vẹn thì đó chỉ có thể là câu hỏi về thời gian mà thôi. Thật là bất công biết bao nếu kẻ tội phạm ngang ngược, sát nhân hung bạo do ý chí tự do của họ, có tinh thần bất tử mà theo với thời gian được rửa sạch tội và hưởng hạnh phúc tuyệt vời, trong khi một con ngựa đáng thương, hoàn toàn không có tội lỗi chi, phải cực nhọc vất vả hết sức mình dưới roi vọt của chủ suốt một đời, và rồi khi chết thì bị diệt vong ?
Tin như vậy hàm ý có một bất công tàn tệ và nó chỉ có thể có giữa những ai được dạy cái tín điều nói rằng mọi vật được tạo ra để phục vụ con người, rằng chỉ con người là chúa tể của vũ trụ, một chúa tể hùng mạnh tới nỗi để cứu họ khỏi những lỗi lầm do chính mình gây ra, Thượng đế của vũ trụ phải chết đi để làm dịu sự thịnh nộ chính đáng của mình.

10 Điểm Căn Bản của Isis
Chương cuối quyển II của sách có lời tóm tắt:
1. Không có phép lạ. Mọi việc xẩy ra là kết quả của luật vĩnh cửu, không thay đổi, luôn tác động.
2.  Thiên nhiên có ba phần thành một: có một thiên nhiên hữu hình, khách quan; một thiên nhiên vô hình, nội tại, chủ lực, cái là mô hình giống hệt cái trước và là nguyên lý thiết yếu cho nó; và trên cả hai là tinh thần, cái nguồn cội của mọi lực, chỉ mình nó là vĩnh cửu và bất hoại.
3. Con người cũng gồm có ba phần: ta có thân xác là vật hữu hình, linh hồn là con người thật, và một phần thứ ba bao trùm soi sáng hai phần này, cái là chủ tể và là tinh thần bất tử. Khi con người thật hòa hợp được với cái sau thì ta trở thành thực thể bất tử.
4. Huyền thuật (magic), nói về mặt khoa học thì đó là sự hiểu biết về những nguyên lý và phương cách mà nhờ đó con người có được sự toàn tri, toàn năng và làm chủ các lực trong thiên nhiên trong lúc còn ở trong xác phàm. Nếu nói như là một thuật thì đó là việc áp dụng hiểu biết này vào thực hành.
5. Minh triết cổ thời khi bị lạm dụng thì thành tà thuật, còn nếu sử dụng cho mục đích tốt lành thì ta có huyền thuật chân chính hay Minh Triết.
6. Thuật đồng cốt là cái đối nghịch với sự đắc đạo; người đồng là dụng cụ thụ động cho những năng lực khác lạ, còn vị đạo sư chủ động, làm chủ mình và tất cả những tiềm năng thấp hơn.
7. Tất cả những vật đã từng hiện hữu, đang hay sẽ là, đều được lưu trữ trong ký ức của vũ trụ vô hình. Vị đạo sư có chứng đạo khi dùng nhãn quan tâm linh có thể biết tất cả những gì đã biết hay có thể biết được (trong thái dương hệ của chúng ta).
8. Các giống dân của con người khác nhau về khả năng tinh thần giống như khác về mầu da, vóc dáng, hay bất cứ tính chất bên ngoài nào; vài người có thông nhãn một cách tự nhiên, người khác lại có khả năng làm đồng tử…
9. Một trong những khả năng huyền thuật là việc linh hồn tự ý rút khỏi thân xác có ý thức. Với một số đồng cốt họ cũng có sự tách ra này nhưng nó vô thức và không tự ý … Về việc di chuyển đó đây của linh hồn thì nó không bị hạn chế trong không gian và thời gian. Nhà huyền thuật tinh thông về khoa huyền bí có thể làm cho thân xác mình như biến đi, hay có vẻ như lấy hình dạng khác theo ý họ, làm cho thể thanh của họ hiển hiện hay cho nó hình dạng khác.
10. Viên đá tảng của Huyền Thuật là hiểu biết thực tiễn kỹ càng về từ lực và điện lực, tính chất của chúng, sự liên hệ và tiềm năng của chúng.
Nói tóm gọn trong vài chữ, Huyền Thuật là Minh Triết tinh thần; thiên nhiên là đồng minh vật chất, đệ tử và đầy tớ cho thuật sĩ. Có một nguyên lý chung thiết yếu thấm nhuần mọi vật, và ý chí được trau luyện hoàn toàn  của con người có thể làm chủ nó. Vị đạo sư có thể làm chủ cảm giác và thay đổi tình trạng thể xác và thể thanh của người khác chưa  phải là bậc đạo sư; họ cũng có thể quản trị và sử dụng, nếu muốn làm vậy, các tinh linh. Họ không thể làm chủ tinh thần bất tử  của bất cứ ai, sống hay chết, vì tinh thần như vậy tựa như điểm linh quang của Bản Chất Thiêng Liêng, và không bị bất cứ điều chi bên ngoài chế ngự.

 

 

 

 

Thể Tình Cảm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thể Tình Cảm và Tình Cảm 

 Thể tình cảm, còn gọi là thể vía, là vận cụ cho tình cảm, tác động như là cầu nối giữa cái trí và thân xác. Ở cõi trần ta biết có nhiều loại năng lực thấu nhập cùng một khoảng không gian mà không can thiệp gì vào nhau. Thí dụ là sóng điện từ như sóng ánh sáng và sóng radio, sóng âm thanh và nhiều loại khác hiện hữu cùng lúc và cùng chỗ. Các năng lực khác nhau của những cõi cao tác động cũng y thế, chữ ‘cao’ ở đây hàm ý sóng có tần số cao hơn hay mức rung động cao hơn, mà không có ý là ‘tốt hơn’ hay ‘thanh bai hơn’. Hiện tượng tựa như hai nốt Do một cao và một thấp, nay áp dụng vào các cõi thì nhiều năng lực hiện hữu cùng lúc và thấu nhập vào nhau, và các thể bao quanh thể xác cũng vậy.
Mỗi thể có tính chất riêng biệt của chúng, thí dụ mọi tình cảm, tâm tình, cảm xúc, ấn tượng có được là vì ta ở trong cõi có tính chất là tình cảm. Mỗi đáp ứng có ý thức của ta luôn luôn đi kèm với cảm xúc, hoặc dễ chịu hoặc đau đớn, thu hút hay sợ hãi. Cõi tình cảm, còn gọi là cõi trung giới, là một thế giới luân chuyển gồm những năng lực chuyển động mau lẹ, mầu sắc lấp lánh và đầy các biểu tượng, hình ảnh làm ta rung động vì nét mỹ lệ của chúng, hay làm ta lo lắng sợ hãi, do sự giả tạo, tiêu cực của các vật này.
Bên trong cõi thì mỗi chúng ta có một thể tình cảm là bầu tình cảm riêng của mình, câu chuyện đời mỗi người được viết và lưu lại trong thể, nó là chỗ lưu trữ điều thương, điều ghét, thành công và thất bại, can đảm, hy sinh và ước vọng. Có vết sẹo của nỗi đau khổ đã qua, cũng như hy vọng tươi sáng được thành tựu. Hào quang thể tình cảm là hình ảnh những gì ta đã và đang cảm biết, mà cũng là hình ảnh chuyển động mà không phải hình ảnh chết, vì nó phản ảnh tiềm năng đã thành đạt lẫn không thành, và động lực của hiện tại đang xẩy ra ở đây.
Cõi tình cảm có những năng lực như cõi trần, nhưng chúng chuyển động mau lẹ hơn, cho ra mầu sắc và âm thanh ở mức cao hơn. Hỉnh dạng thể tình cảm có những cấu trúc tương ứng với thể sinh lực và thể xác. Nhìn bằng thông nhãn, hào quang nhiều mầu sắc ló ra ngoài thể xác từ 40 đến 45 cm; có hình trứng, như đám mây lóng lánh sáng bao quanh cơ thể, như thể con người đứng lơ lửng trong bầu trong suốt gồm các đường nét và mầu sắc thay đổi luôn.
Các mầu này cho biết không những đặc tính của cảm xúc ta có mà luôn cả cường độ của nó, và đó là cảm xúc nhất thời hay thường có. Vì vậy, dằng co trong nội tâm có thể được nhận biết qua mầu sắc, độ trong sáng và vị trí của mầu. Các mầu sắc thấy trong thể đều có ý nghĩa, và mức thanh khiết của chúng hay việc chúng trộn lẫn với mầu khác cho ai có kinh nghiệm hiểu biết về nội tâm của đương sự.
Thể mềm dẻo, có thể nở rộng ra đáng kể nhưng bìa được vạch rõ ràng cho dù chất liệu tản dần êm nhẹ vào không gian chung quanh. Nhịp của hào quang cũng đáng nói, vì nó cho biết mức độ và loại tương tác có với thể sinh lực và thể trí. Khi ta mạnh khỏe thể có đường nét rõ ràng, đồng nhất, bìa không lồi lõm, tưa rách. Phần hào quang bên trên hoành cách mạc thường cho biết tiềm năng của người - đôi khi đã phát triển, đôi khi không - và mầu sắc ở phần này của thể thường sáng hơn, ít nồng đậm.
Phần dưới hoành cách mạc cho biết những kinh nghiệm đang có, đang linh động nên mầu sắc trong phần này của hào quang thường đậm hơn, nặng nề hơn và lục cục hơn. Khó thể nói luật trọng trường có tác động ở cõi tình cảm hay không, nhưng sự kiện thấy là cảm xúc nặng nề hay thô trược hơn dường như chìm xuống phần dưới của thể, còn cảm xúc cao hơn, lan rộng hơn thì nằm bên trên vùng trái tim.
Tất cả những đặc tính này cho ta manh mối về tâm tình của cá nhân, làm lộ ra những gì bất thường nếu có. Đặc tính chính của hào quang là động năng của nó. Nó là những hình như thấy trong kính vạn hoa, đầy mầu sắc mà độ đậm nhạt và độ sáng cho biết tính chất của tình cảm. Nơi người trung bình những mầu này thay đổi theo tâm tình, và do đó mầu mạnh lên hay yếu đi, sáng hơn hay tối lại, và năng lực thúc đẩy nó thì chuyển động không ngừng.
Thí dụ ai hân hoan được gặp bạn quí mến sẽ lộ ra mầu hồng nhạt xinh đẹp, còn khi tham thiền hay cầu nguyện, thể có mầu xanh dương và vàng óng. Sự giận dữ cho lóe đỏ trong hào quang như tia chớp, còn nỗi đau khổ bao phủ khắp thể như là đám mây xám.
Dầu vậy, có những mầu căn bản cho biết tâm trạng hay khả năng của đương sự, và chúng thường thay đổi rất chậm chạp. Lại nữa, tình cảm nào hiện diện một thời gian dài thường có đó luôn trong hào quang. Nếu tiêu cực như lòng sầu não hay tức tối, chúng có thể ảnh hưởng dòng năng lực và điều này cho hệ quả lâu dài lên tình trạng của thể sinh lực và thể xác
Thí dụ nỗi lo lắng hiện ra như đám mây mầu xanh xám bên thể tình cảm, nằm vào khoảng giữa thân hình gần huyệt đan điền. Nó làm năng lực tình cảm chẩy ngược trở lại vào bên trong thể, ngăn cản sự luân chuyển tự do thông thường của năng lực trong khắp thể. Mây mầu xanh xám càng gần thể xác chừng nào thì mức lo lắng và ảnh hưởng của nó đối với thể xác càng nhiều chừng ấy.
Khi mầu có khuynh hướng tản ra bìa hào quang, điều ấy muốn nói đương sự đang trên đường thoát khỏi sự lo lắng. Sinh hoạt trong thể tình cảm có thể được so sánh với điều kiện thay đổi của bầu không khí trên trái đất, với vệ tinh quan sát và xác định những vùng có mưa bão v.v. Cũng tương tự vậy, người có thông nhãn có thể nhận ra những trận bão lòng làm bận tâm đương sự qua việc chúng gây xáo trộn trong hào quang của họ.
Mầu sắc trong vùng bên dưới hoành cách mạc chỉ về cảm xúc thông thường và phàm trần hơn, những cảm xúc có trong cuộc sống thường nhật, còn những mầu ở bên trên, nhất là trong vùng quanh đầu, cho biết tính chất tinh thần và trí tuệ.
Khi cảm xúc không được con người kiểm soát hay hướng dẫn, hay đáp ứng với các nguyên tắc đạo đức, chúng có thể hỗn loạn và cuồng dại. Trong trường hợp ấy, ai đồng hóa mình với tình cảm sẽ bị những cơn bão lòng và sự căng thẳng chi phối, đi từ thái cực này sang thái cực kia, thương rồi ghét, vui xong lại buồn, hạnh phúc đổi thành đau khổ.
Mỗi người không ngừng tạo ra những sóng và dòng năng lực tình cảm do cách họ đáp ứng với thế giới chung quanh. Ta làm tràn ngập bầu hào quang của mình với hình ảnh tình cảm tích cực, hay tiêu cực hay vô thưởng vô phạt. Rồi những hình ảnh này tới phiên chúng bao quanh ta, và khuyến khích ta lập lại những cảm xúc đã sinh ra chúng; theo cách ấy ta sinh ra khuôn mẫu về thói quen tình cảm.
Chất liệu nơi cõi trung giới rất dễ đáp ứng theo cảm xúc, nói khác đi là rất dễ được tâm tình uốn nắn, đáp ứng mau lẹ với hình tư tưởng hay hình ảnh mà ta tuôn cảm xúc vào đó. Một số các hình ảnh ấy có thể tan biến như tuyết tan dưới ánh mặt trời và mất dạng, nhưng hình ảnh khác có thể tồn tại lâu hơn, ở lại với ta một lúc dài; người có thông nhãn thường thấy được các hình này bao quanh kẻ sáng tạo ra chúng.
Nếu cho rằng mỗi chúng ta là một hệ thống năng động liên tục nhận và tỏa ra năng lực, thì ta có thể hiểu mức độ mà con người ảnh hưởng thể tình cảm của nhau. Lẽ tự nhiên điều này thay đổi theo sự ổn định nội tâm và bản chất của mỗi người. Khi một ai đồng hóa với tình cảm của mình (‘tôi giận, tôi vui, tôi buồn’), chuyện tự nhiên là họ dễ dàng đáp ứng với tình cảm nơi người khác. Họ có thể là người nồng ấm và thân ái, mà cũng có thể trở thành nạn nhân của xáo trộn tình cảm nơi kẻ khác.
Qua bao năm, nhân loại sinh ra nhiều ‘khói’ hay phế thải trong bầu không khí tình cảm, thí dụ như sự bạo hành đang tràn lan trên thế giới ngày nay không ngừng thêm vào sự ô nhiễm nơi cõi này. Ai mà tâm tình đáp ứng với tần số rung động tiêu cực ấy có thể bị mất quân bình vì các ảnh hưởng xáo trộn đó, nên khuynh hướng của họ đối với bạo hành hóa tệ hại hơn.
Về mặt tích cực, nhìn vào mặt tình cảm của thế giới ngày nay, ta cảm biết có nhiều lực kiến tạo đang làm việc. Ước mong có hòa bình trên thế giới, quan tâm về công bằng xã hội, từ tâm đối với nạn nhân chiến tranh hay thiên tai, nỗ lực tìm cách ngăn ngừa bệnh tật và làm nhẹ bớt khổ nhọc của người, tất cả những cảm tình ấy cộng hưởng với lực chữa lành trong cõi tình cảm và giúp tạo sự điều hòa và trật tự.
Bởi vậy ta có thể nói thể tình cảm của mỗi người trong chúng ta là kết quả của sinh hoạt tình cảm cá nhân, hữu ý hay không hữu ý, lẫn tương tác với những năng lực khác nơi cõi trung giới. Mỗi người liên tục trao đổi với người khác và với môi trường tình cảm nói chung. Việc trao đổi như thế rất đỗi quan trọng cho sức khỏe, vì ngay cả môi trường tiêu cực vẫn không thể làm hại được nếu ai can dự giữ cho sự kết nối mở mà không đóng. Cõi trung giới có tính phổ quát như mọi cõi khác, thế nên không có hàng rào thực bên trong nó, tuy điều kiện một nơi có thể thúc đẩy hay ngăn cản sự luân lưu các dòng lực. Vậy thì luôn luôn có việc làm sạch và kích động trong mỗi môi trường, ngay cả ở những nơi như nhà tù và bệnh viện, vì cá nhân có thể vươn ra ngoài phạm vi quanh mình tới trọn khối trong vũ trụ.
Nói chung ta thu hút về mình những phần trong môi trường quen thuộc đối với ta, theo nguyên tắc đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Việc sinh hoạt có ý thức về mặt tình cảm, như không chìu theo cơn giận dữ, hay lo lắng, tạo nên thói quen về tương tác, phản ứng mà về lâu về dài làm thay đổi hào quang của một người. Hào quang cá nhân hay thể tình cảm còn bị chi phối bởi tác động của nhiều loại tình cảm bên ngoài lên thể, tức môi trường tình cảm cho ảnh hưởng tinh tế lên con người chúng ta. Xin bạn đọc lại bài Hình Ảnh của Tâm Trạng, PST 59 để hiểu thêm cách năng lực tình cảm tác động.

Các Luân Xa Tình Cảm
Bên trong thể tình cảm có bẩy luân xa tình cảm chính, tương ứng với luân xa ở cõi ether. Giống như luân xa của thể sinh lực  nhận năng lực của cõi ether, thì các luân xa ở cõi trung giới mở ra trong biển năng lực của cõi này, nơi mà mọi sinh vật tắm mình trong đó. Khi năng lực của cõi từ ngoài tuôn vào và chẩy ra từ các luân xa, nó làm năng động và sắp xếp hào quang tình cảm. Các luân xa tình cảm có hình dạng tương tự như luân xa cõi ether, có cơ cấu như cánh hoa bao quanh một tâm ở giữa. Giống như nơi cõi ether, năng lực tuôn vào trong tâm này, luân lưu qua những cánh hoa và chầy ra ngoài trở lại vào biển năng lực của cõi trung giới.
Cho từng cá nhân, đặc tính của thể tình cảm tùy thuộc vào mức độ và phẩm chất của tình cảm, làm như con người khi tương tác với cõi tình cảm bên ngoài thu hút vào mình các năng lực riêng biệt mà họ đồng nhịp, và lọc ra những cái nào khác lạ với họ, như sinh vật chỉ nhận lấy thông tin nào mà nó có thể dùng được. Do đó tất cả chúng ta để lại dấu vết tình cảm của mình nơi cõi trung giới, và ảnh hưởng tính cách của cõi này dù là rất nhỏ so với trọn khối.
Luân xa của thể tình cảm cũng nối kết với các luân xa ether và vì thể hòa hợp hai cõi. Tùy theo sự phát triển và mức hòa hợp của cá nhân, các luân xa này biểu lộ dòng năng lực điều hòa, nhịp nhàng hay ngược lại là rối loạn, bất hòa, muốn nói tình cảm có phần nào bất ổn. Thí dụ tính lo lắng kinh niên cho ra rối loạn nơi huyệt đan điền ở cõi trung giới, rồi nó sinh ra xáo trộn trong luân xa ether tương ứng, gây ảnh hưởng trực tiếp cho bộ tiêu hóa và gan.
Luân xa ở cõi trung giới cũng luôn luôn sáng hơn luân xa cõi ether, mà cùng lúc cũng khó được mô tả chính xác hơn về tính chất. Chúng không có vẻ mềm dẻo có thay đổi mà dường như lúc nào cũng vậy. Có khi luân xa tình cảm và ether liên kết với nhau còn luân xa thể trí không hòa nhịp với chúng; nếu thấy có nhiều mầu xám ở một luân xa tình cảm thì điều ấy muốn nói có nghẹt giữa hai thể tình cảm và trí.
Nói về tốc độ quay, một luân xa này của thể tình cảm có thể quay mau hay chậm hơn luân xa kia. Nếu thể tình cảm nói chung bị xáo trộn, năng lực sẽ chẩy về một luân xa đặc biệt nào đó, thường là huyệt đan điền. Điều cũng quan trọng cho sức khỏe là có điều hòa giữa luân xa tình cảm và ether, khi giữa hai loại luân xa này có nhịp vững vàng và điều hòa, nó cho biết có mối liên hệ bên trong tốt đẹp, còn sự bất hòa và lạc điệu có thể đưa tới bệnh tật.
Khi những cánh của luân xa hay tâm của nó bị gẫy, làm năng lực thất thoát, sự kiện có khuynh hướng làm cho tâm ấy và năng lực cung cấp cho phần tương ứng của cơ thể dễ bị nguy hại hơn, và có thể hay không đưa tới đau ốm hay tình trạng đáng ngại nào cho cơ thể.
● Luân xa Đỉnh đầu
Không giống như ở thể sinh lực, thể tình cảm không có bộ phận tương ứng nào trong thể xác như lá lách hay tim, tuy nhiên có sự trao đổi năng lực. Thí dụ nếu dòng năng lực tình cảm mờ nhạt ở luân xa đỉnh đầu, nó muốn nói có thể có rối loạn tâm thần nghiêm trọng hay ngay cả việc khiếm khuyết trí tuệ. Mặt khác, nếu luân xa tình cảm và ether giống nhau về mầu sắc và độ sáng, điều ấy cho biết có suy nghĩ rõ ràng và sống động. Phản ảnh của tùng quả tuyến pineal gland có thể có mầu vàng óng ở thể tình cảm, nhưng cơ quan tương ứng không có thật.
● Luân xa Cổ họng
Huyệt này đặc biệt liên kết với nhịp điệu  và âm thanh. Nơi ai có thông nhĩ hay nhậy cảm với âm thanh mà tai bình thường không nghe được, những cánh của luân xa sẽ to hơn trung bình và chói sáng hơn.
● Luân xa Tim
Nơi ai tham thiền đều đặn, huyệt tim to hơn thông thường vì nó mở lớn dễ dàng. Nó cũng có khuynh hướng chói sáng hơn, và chuyển động nhịp nhàng của nó mau hơn.
● Huyệt đan điền (còn gọi là tùng thái dương, solar plexus)
Cho đa số người đây là luân xa tích cực nhất với năng lực tình cảm. Nó là cầu giữa tình cảm và thể sinh lực  cùng thể xác, có liên hệ với bao tử là bộ phận gần nhất của thể xác, và trọn bộ ruột. Mầu của luân xa này thay đổi chút ít, nơi ai đã hòa hợp ba thể nó có mầu xanh lục, chỉ sự quân bình; sắc xanh lục khác hơn một chút cho biết có lòng thiện cảm hay tính thích nghi; mầu vàng và xanh lục trộn lẫn muốn nói có ý thích biểu lộ ý tưởng bằng hình dạng vật chất. Thường khi những nhà sáng chế và vẽ kiểu có hai mầu này. Rồi lại có sắc khác có nét bệnh hoạn vàng - xanh lục chỉ tính đố kỵ, còn mầu vàng lẫn với xám muốn nói có bực bội liên quan với việc làm.
● Luân xa ở cuối xương sống
Huyệt này liên quan chặt chẽ với huyệt đỉnh đầu, và vì thế liên kết với sự phát triển tinh thần của cá nhân.  Nếu có sự hòa hợp giữa hai luân xa, năng lực từ luân xa dưới gốc đi lên không bị cản trở hay xáo trộn, nhất là ở thể tình cảm và thể sinh lực.

Xương sống và Não của Thể Vía
Bình thường năng lực tình cảm đi vào thể qua ngõ huyệt đan điền, và có thể đi theo một trong hai hướng, tùy theo do dòng tuôn chẩy nó trong ‘xương sống’ tình cảm bị cản trở hay không. Trong tình trạng sức khỏe bình thường, năng lực tình cảm chẩy lên trên vào đầu, nhưng khi bị cản trở nó sẽ quay lại và đi ngược xuống dưới, gia tăng hoạt động tình dục. Cùng lúc ấy có sự giảm bớt năng lực tình cảm trong não, dẫn tới xáo trộn trong sự làm chủ tình cảm.
Năng lực tình cảm, giống như năng lực tương ứng cõi ether, đi từ luân xa ở cuối xương sống lên hành tủy medulla oblongata theo ba đường là ida, pingalasushumna. Bà Dora van Kunz mô tả chúng như sau.
– Đường bên phải xương sống ở cõi trung giới phát sinh từ bên phải trung tâm của luân xa, đi lên tới đằng sau đầu như là một luồng có đường kính chừng một phân. Nó có mầu xanh nhạt (còn năng lực ether tương ưng có mầu xanh - xanh lục).
– Đường bên trái đi theo như bên phải, có mầu hồng (nơi cõi ether đó là mầu vàng đỏ sậm hơn).
– Đường ở giữa phát xuất ngay giữa tâm luân xa, đi lên và chia đôi ở nơi gần hành tủy và hai nhánh đâm tréo nhau, nhánh bên phải đi vào não trái, và bên trái vào não phải. Luồng giữa sáng hơn hai luồng kia, óng ánh đủ mầu, với nhiều mầu vàng và cam. Nếu nó rất sáng với mầu vàng nổi bật thì đây là dấu hiệu sức khỏe tốt.
Theo: The Chakras and the Human Energy Fields.
Shafica Karagulla, Dora van Gelder Kunz.